Kết giao có chừng mực

Có câu: “Quân tử kết giao nhạt như nước lã, tiểu nhân kết giao ngọt như nước đường”.

Người quân tử lúc nào cũng bình thản như nước, nước dẫu nhạt nhưng không bao giờ chán, đường dẫu ngọt nhưng ăn nhiều sẽ ngấy.

Những tình bạn chân thành nhất định phải đơn thuần, vì chỉ có đơn thuần mới có thể tồn tại lâu dài.

Giữa bạn bè với nhau, giúp đỡ là vì tình cảm chứ không phải vì nghĩa vụ. Nếu không có lòng biết ơn, đòi hỏi một cách thái quá, mối quan hệ sẽ trở nên nặng nề.

Tình bạn chân thành là biết tôn trọng nhau, dù thân thiết đến đâu cũng phải có chừng mực.

Có chừng mực sẽ tạo cảm giác thoải mái, giữ khoảng cách mà không hờ hững.

Chừng mực chính là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Gột rửa tâm hồn

Hoạ sĩ chính là người có khả năng mang hơi thở của cuộc sống vào trong bức tranh.

Màu sắc, hình khối và từng nét vẽ trong tranh đều sẽ mang theo năng lượng và sức sống của người vẽ.

Những bức tranh thuần tịnh chất chứa trong nó “ánh sáng trong lành”, có thể giúp chúng ta “gột rửa tâm hồn”. 

Đừng để lòng mình cuốn đi theo chiều gió

Sống trên đời, nếu chỉ nương theo thái độ của người khác mà hành xử, chiều theo lòng mọi người, mong cầu sự yêu thương của mọi người, thì kết cục lại thường không như mong đợi.

Trong cuộc sống, luôn có người tôn trọng bạn và cũng luôn có người sẽ coi thường bạn. Dẫu cố gắng đến đâu, bạn cũng chẳng thể nào làm vừa lòng tất cả.

Cuộc đời và vận mệnh phải do chính mình nắm giữ. Cứ sống đúng là mình, chân thành và thiện lương, những gì vốn là của bạn, nó sẽ là của bạn. Những gì không phải của bạn, thì dù có dành lấy được, rồi có lúc nó cũng sẽ âm thầm ra đi. Đạo lý chỉ đơn giản như vậy.

Cổ nhân có câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái cốt lõi thường không thay đổi. Tĩnh lặng nhìn cuộc đời, chính là đang biết tự đặt mình vào cái bất biến bên trong. Còn bên ngoài, cuộc đời luôn thay đổi, muôn hình vạn trạng, biến đổi khôn lường, chỉ lỡ thả lỏng tâm trí một chút, là nó sẽ bị trôi ngay theo dòng đời ô trọc. 

Chúng ta phải kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ

Chúng ta có thể hồ hởi, tươi cười với một người dưng, nhưng lại hờ hững, thiếu quan tâm với những người thân quen.

Chúng ta có thể dành sự kiên nhẫn, bao dung, cung kính cho những người xa lạ, nhưng lại nông nổi, trách móc và hà khắc với những người thân quen.

Tại sao lại thế?

Phải chăng vì chúng ta cho rằng những người thân quen sẽ chẳng bao giờ rời xa, chẳng bao giờ bỏ mình mà đi?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải quan tâm, lắng nghe và chịu đựng tất cả những gì gọi là hờn giận và uất hận chất chứa trong lòng chúng ta, đang được dịp bùng phát ra?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải bao dung, vị tha và bỏ qua cho những lỗi lầm của chúng ta?

Cuộc đời, xét cho cùng, chính là những nghịch lý.

Với người lạ, chúng ta luôn có những vỏ bọc, rào chắn. Dường chúng ta luôn hoàn hảo, lịch sự và đáng yêu.

Nhưng với người quen, khi không có vỏ bọc, những cái xấu của chúng ta, dù nhỏ cũng dễ dàng bộc lộ ra, thậm chí còn bị thổi phồng lên. Từ một người đáng yêu, chúng ta có thể trở thành thô lỗ, cục cằn, hay cằn nhằn, trách móc.

Không phải chúng ta đã thay đổi, không phải chúng ta đạo đức giả. Chúng ta vẫn thế, chỉ là chúng ta không hoàn hảo.

Vậy phải làm thế nào? Có hai cách.

Cách thứ nhất, chính là coi mọi người như “người lạ”, để kính trọng, nhường nhịn, để bao dung, tha thứ. Thậm chí, chúng ta phải học cách để có thể kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ.

Cách thứ hai, học và làm theo câu “thất bại là mẹ của thành công”. Nếu chúng ta biết chấp nhận, biết hy sinh, biết nhẫn nhịn, biết lấy cái sai của người làm bài học của mình, thì thành công sẽ đến, hoà thuận sẽ trở lại và cả hai đều sẽ trở nên tốt hơn.

Sửa mình bao giờ cũng dễ hơn sửa người. Với người thì hãy kính trọng và khiêm nhường.

Dã ngoại nhóm lửa trại

Làm thế nào để xây dựng được một tập thể làm việc hiệu quả, các thành viên tự giác làm tốt kể cả khi không bị giám sát, làm thế nào để họ hiểu những vấn đề của tổ chức mình hơn cả những người lãnh đạo? Hãy nhóm lửa trại.

Nếu bạn muốn tăng thêm sự hăng hái, sức mạnh và sự gắn kết cho nhóm của bạn, hãy nhóm lửa trại và cùng nhau ngồi thành một vòng tròn quanh đống lửa. Khi mặt trời xuống, hãy lắng nghe những câu chuyện của nhau.

Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bóng đêm mênh mang và ngọn lửa leo lét, con người sẽ thường cảm thấy nhỏ bé và cái “tôi” dường như cũng nhỏ lại. Ai cũng muốn nương tựa vào nhau, nhóm họp với nhau và làm cùng nhau.

Đốt lửa trại, nghe thì đơn giản nhưng lại nhiều ẩn chứa, có lẽ bởi nó mang trong mình một câu chuyện truyền kỳ về việc người nguyên thuỷ đã nhờ lửa mà có văn minh!

Bạn hãy thử xem, nhóm lửa trại và chia sẻ, có lẽ chia sẻ chính là nền tảng để tạo nên một đội ngũ tuyệt vời.